Phương pháp giáo dục Montessori là gì? Đặc trưng và ưu điểm dạy con theo Montessori

Các mẹ thường liên tục cập nhật các phương pháp giáo dục trẻ để đảm bảo con phát triển tốt nhất về mặt trí tuệ, tâm hồn và thể chất. Trong số đó, phương pháp giáo dục Montessori đặc biệt chiếm nhiều sự quan tâm tìm hiểu của mẹ. Vậy phương pháp Montessori là gì? Dạy con theo phương pháp Montessori có thật sự hiệu quả hơn cách giáo dục truyền thống?

Phương pháp Montessori là gì?

Phương pháp giáo dục Montessori được đặt tên theo tên của nhà giáo dục học Maria Montessori. Đây là phương pháp lấy khả năng tự học làm nền tảng cơ sở. Montessori chú trọng khả năng khai thác tiềm năng sẵn có, không áp đặt trẻ, chỉ quan sát đưa ra gợi ý và hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ vì bản thân mỗi trẻ từ khi sinh ra vốn đã có khả năng tự học tuyệt vời. Phương pháp Montessori cho phép trẻ được tự do phát biểu, tìm hiểu, giao tiếp. Với Montessori, trẻ được giáo dục để trở thành một công dân tự tin, độc lập, tích cực, giao tiếp hiệu quả, có định hướng và trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Nếu người lớn áp đặt, định hướng nhiều quá sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có do đó cần tạo môi trường, không gian cho trẻ tự trải nghiệm, khám phá, phát huy khả năng tự học. Phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kiến thức thực tiễn. Do đó, giáo dục trẻ bằng phương pháp học Montessori giúp xây dựng nền tảng cơ bản cho bé ngay từ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi.

(Tiến sĩ Maria Montessori (31/8/1870 – 6/5/1952) là chuyên gia người Ý trong nhiều lĩnh vực như: Triết học, nhân văn học, giáo dục học và đồng thời bà được biết đến như là nữ bác sĩ đầu tiên của Ý. Bà đã xây dựng, phát triển thành công phương pháp giáo dục Montessori và là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục lứa tuổi mầm non).

Montessori chú trọng đến thực hành và trải nghiệm của từng bé (Nguồn: Sưu tầm)

Phương pháp Montessori trong 5 lĩnh vực giáo dục

1. Phương pháp Montessori trong đời sống thực hành

Ở lĩnh vực này, trẻ sẽ được tiếp cận những hoạt động liên quan đến phục vụ bản thân như thay quần áo, buộc dây giày, soạn đồ ăn, soạn tập vở,…). Đồng thời, bé sẽ được dạy cách chăm sóc môi trường sống xung quanh như lau kệ tủ, lau bàn học, tưới cây, trồng cây,…).

Mục tiêu của phương pháp Montessori trong lĩnh vực sinh hoạt hằng ngày là giúp trẻ thực hiện các thói quen sinh hoạt một cách độc lập, bình tĩnh và gọn gàng. Bé biết để tâm đến bản thân và xung quanh nhiều hơn, biết giúp đỡ người khác.

2. Phương pháp Montessori trong rèn luyện giác quan

Các bài học trong phương pháp này giúp bé tăng cường khả năng so sánh, quan sát sự vật hiện tượng, suy luận và đưa ra các kết luận có tính logic thông quan các giáo cụ. Các bài tập sẽ giúp trẻ vận dụng đủ 5 giác quan toàn diện.

3. Phương pháp Montessori trong ngôn ngữ

Các bài học tăng cường khả năng ngôn ngữ theo phương pháp Montessori thường tập trung vào kỹ năng đọc viết và phản ứng ngôn ngữ cơ bản. Các hoạt động ngôn ngữ thường được ứng dụng là ghép thẻ theo tranh, ghép thẻ thành câu hoàn chỉnh, khuyến khích trẻ tự giới thiệu bản thân, tô chữ để nhận biết mặt chữ,…

4. Phương pháp Montessori trong toán học

Ở lĩnh vực toán học, Montessori giúp bé nhận biết và làm quen với số học là chủ yếu. Thông qua các hoạt động đơn giản như ghép ảnh với số, thực hiện phép tính đố vui đơn giản,… bé sẽ được nâng cao khả năng tư duy logic từ khi còn nhỏ.

5. Phương pháp Montessori trong văn hóa và khoa học xã hội

Bé sẽ được cung cấp kiến thức văn hóa, địa lý, khoa học đơn giản thông qua các bài học đơn giản kết hợp giáo cụ trực quan. Montessori khuyến khích giáo viên và phụ huynh cho bé tiếp xúc với thực tế song song với kiến thức giúp em ghi nhớ nhanh qua những trải nghiệm mới mẻ.

Nguyên tắc của Montessori tôn trọng sự phát triển riêng của từng bé (Nguồn: Sapientia Montessori)

Nội dung đặc trưng của phương pháp giáo dục Montessori là gì?

1. Giảng dạy theo tốc độ tiếp thu của trẻ

Thay vì phải chạy đua với bài giảng của giáo viên hay những bạn cùng lớp, trẻ được dạy và học theo tốc độ của mình. Bé không phải gồng mình để theo kịp các bạn hay phải chờ để các bạn bắt nhịp với mình. Mỗi bé có khả năng và sở thích khác nhau, có trẻ giỏi toán, có trẻ học ngôn ngữ rất nhanh,… Nhờ vào sự lặp đi lặp lại của phương pháp Montessori, mỗi bé có thể học một kỹ năng nào đó cho đến khi thuần thục nên sẽ không có lỗ hổng kiến thức và việc học phụ đạo lúc này trở nên thừa thãi.

2. Khuyến khích trẻ hoạt động

Vượt ra ngoài các bài giảng lý thuyết, trẻ được hướng dẫn các hoạt động vui chơi và học tập mỗi ngày. Điều này khiến trẻ hứng thú khám phá từng bài giảng khác nhau trong lớp học Montessori. Trẻ còn học được cách tôn trọng lẫn nhau và cùng xây dựng ý thức cộng đồng.

3. Rèn luyện tính tự lập, tự học

Bé hình thành tính tự lập và tự học thông qua việc học cách chăm sóc bản thân, đồ dùng và môi trường xung quanh. Phương pháp Montessori hiểu rằng trong mỗi đứa trẻ luôn có động lực tích cực để trở nên tự lập. Tính tự lập rất quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến lòng tự trọng, năng lực và tinh thần hợp tác của trẻ. Do vậy, lớp học Montessori luôn chú trọng việc hướng dẫn trẻ làm việc một cách độc lập. Trẻ có thể tự tiếp cận giáo cụ trong lớp học nên không phải lúc nào chúng cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác để lấy được đồ. Đồ vật, ví dụ như chiếc chổi, được thiết kế vừa vặn cho bé sử dụng và tự do chọn công việc mình thích. Giáo viên cũng được huấn luyện để khuyến khích trẻ tự lập qua việc cho phép trẻ tự phục vụ bản thân ngay khi trẻ có thể.

4. Học về trật tự

Mọi người, kể cả trẻ nhỏ đều thích sự ngăn nắp, trật tự hơn là hỗn loạn bởi mọi thứ vận hành trong một môi trường ngăn nắp dễ dàng hơn. Sự ngăn nắp trật tự giúp trẻ tự lập vì chúng có thể dễ dàng tìm được dụng cụ mình cần mà không cần thông qua sự giúp đỡ.

Mục tiêu mang tính xã hội như giúp trẻ học cách hòa hợp, tôn trọng và hợp tác với nhau là một phần quan trọng của phương pháp giáo dục Montessori. Phải chia sẻ giáo cụ giúp trẻ trở nên kiên nhẫn và biết hợp tác. Dạy trẻ biết tôn trọng mọi người bằng cách đi đứng cẩn thận xung quanh thảm của các bạn khác. Thêm vào đó, phương pháp Montessori còn bao gồm các bài học về ứng xử và tác phong lịch sự mà nhờ đó trẻ được học các kỹ năng xã hội cần thiết như chào hỏi và giới thiệu mọi người, hỏi xin một thứ gì đó đúng cách, cách hành xử lịch sự trong những việc nhỏ như hắt xì hơi, ho hoặc ngáp.

5. Chú trọng thực hành

Một trong những lợi ích lớn nhất của phương pháp Montessori là được học cả lý thuyết lẫn thực hành. Bên cạnh những lý thuyết về ngôn ngữ, toán, văn hóa, các bé cũng được hướng dẫn ứng dụng những điều được học. vào cuộc sống thường ngày.

Ưu điểm phương pháp Montessori và phương pháp giáo dục truyền thống

Rất nhiều mẹ sẽ đặt câu hỏi là ” Phương pháp Montessori khác gì với phương pháp Giáo dục truyền thống?”. Có rất nhiều yếu tố để tạo nên sự khác biệt ở phương pháp Montessori như:

Lấy nhu cầu của trẻ làm trung tâm

Các lớp học Montessori được xây dựng và bổ sung những yếu tố mà phương pháp giáo dục truyền thống còn thiếu sót. Phương pháp Montessori bao gồm các bài học và hoạt động được tổ chức dựa trên nhu cầu của trẻ, trong khi phương pháp truyền thống thường chỉ chú trọng các bài học và hoạt động hỗ trợ cho bài giảng.

Khuyến khích trẻ hoạt động

Nguyên tắc xây dựng bài học Montessori là thực hành. Trẻ được khuyến khích tự khám phá thông tin. Trong khi đó, phương pháp truyền thống truyền tải kiến thức đến trẻ một cách thụ động, trẻ phải ghi nhớ và làm bài kiểm tra.

Vai trò của giáo viên

Giáo viên Montessori đóng vai trò là người hướng dẫn và tư vấn trên cơ sở từng bé một. Mỗi bé sẽ được các cô hướng dẫn học tập riêng dựa trên nhu cầu và năng lực của bản thân. Ngược lại, giáo dục truyền thống truyền đạt cùng một lượng kiến thức với cùng tốc độ đến một tập thể các bé mà không cần quan tâm khả năng phát triển của từng em là như thế nào.

Nhóm tuổi và chia lớp

Trong các trường học Montessori, các cấp độ được chia rất linh hoạt và xác định bởi phạm vi phát triển của trẻ em, thường được chia theo 0-3, 3-6, 6-9, 9-12, 12-15 và 15-18 tuổi. Trong các trường học truyền thống, cấp lớp không linh hoạt và được xác định nghiêm ngặt theo độ tuổi nhất định.

Giáo trình tương ứng

Giáo trình Montessori thường được nghiên cứu mở rộng để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Giáo trình truyền thống được thiết kế cố định và có những môn không phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Trẻ được khuyến khích tăng tốc

Phương pháp Montessori khuyến khích trẻ học tập theo tốc độ cá nhân và được vinh danh khi đạt thành tích cao. Các lớp học truyền thống thường mong muốn các bé học tập cùng một tốc độ với nhau.

Sự đánh giá đối với trẻ

Giáo viên đánh giá trẻ xuất phát từ các thành tích đạt được của bé. Trong các lớp học truyền thống, trẻ thường được đánh giá bởi các yếu tố khách quan bên ngoài.

Yêu thích học tập

Giáo trình Montessori quan tâm việc tạo ra niềm yêu thích học tập ở trẻ. Chương trình giảng dạy truyền thống thường chỉ tập trung vào hiệu suất và điểm kiểm tra tiêu chuẩn. Vì thế, trẻ luôn có cảm giác học đối phó.

Nguồn tham khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Phương_pháp_giáo_dục_Montessori

Trả lời

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo